Thông tư số 48/2019/TT-BTC mới về trích lập các khoản dự phòng.
Ngày 08/08/2019 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48/2019/TT BTC (“Thông tư 48”) về việc hướng dẫn trích lập và xử lý các khoản nợ dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp. Thông tư mới này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2019 và áp dụng từ năm tài chính 2019; Về nguyên tắc, các khoản dự phòng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị hàng tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.
Ngày, giờ ký có phải là chỉ tiêu bắt buộc trên hóa đơn điện tử hay không?
Ngày 11/06/2019, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã gửi công văn số 44743/CT-TTHT lên Tổng Cục Thuế để xin hướng dẫn về vấn đề chỉ tiêu ngày giờ ký trên hóa đơn điện tử có bắt buộc hay không. Tuy nhiên hiện tại chưa có công văn trả lời chính thức của Tổng cục Thuế liên quan đến vấn đề này, các công ty nên lưu ý cân nhắc để thực hiện.
Hàng Sản xuất xuất khẩu (SXXK) tại chỗ theo chỉ định được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu.
Tổng cục Hải quan vừa ban hành Công văn số 4138/TCHQ-TXNK ngày 25/6/2019 hướng dẫn thống nhất về chính sách thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK) tại chỗ theo chỉ định của nước ngoài. Theo công văn này, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để gia công sản xuất hàng hóa xuất khẩu, sau đó xuất trả, bán sản phẩm được gia công, sản xuất cho thương nhân nước ngoài nhưng được thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam (loại hình xuất khẩu tại chỗ) được miễn thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa đã xuất khẩu tại chỗ.